6 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành đạt các kết quả nổi bật, tạo đà hoàn thành tốt nhiệm vụ năm
10/07/2024 07:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 9/7, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành 6 tháng đầu năm 2024.
Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân. Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn và BHXH cấp huyện.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Đóng góp quan trọng trong hoàn thiện chính sách
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, toàn Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT: chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Đặc biệt ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Các ý kiến tham gia của BHXH Việt Nam được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình, biểu quyết tán thành và được đưa vào dự thảo Luật, đây là sự ghi nhận của Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân đối với tâm huyết, nỗ lực của Ngành BHXH Việt Nam trong việc đóng góp, xây dựng hệ thống chính sách BHXH toàn diện; hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Về một số chỉ tiêu chủ yếu, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong đà phục hồi tích cực, có nhiều khởi sắc, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT của Ngành đạt kết quả tích cực và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023
Cụ thể: Số người tham gia BHXH là 18,305 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05%, tăng 1,164 triệu người so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,678 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,627 triệu người. Số người tham gia BHTN là 14,965 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 31,93% lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 955 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHYT là 92,131 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 91,86% dân số; tăng 1,225 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024 tăng 19.870 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả bài bản, chuyên nghiệp, truyền tải kịp thời, chính xác, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Công tác giải quyết, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ. Công tác thực hiện chính sách BHYT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; kiểm soát chặt chẽ, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng quỹ BHYT trong điều kiện các nguồn lực có hạn, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB), chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia, tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn…
Phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Tại Hội nghị, lãnh đạo BHXH các địa phương: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh đã báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời nêu các khó khăn và giải pháp triển khai thời gian tới. Trong đó, BHXH các địa phương xác định trong công tác thu tiếp tục tập trung bám sát đơn vị sử dụng lao động, phối hợp chặt chẽ với các ngành, tổ chức hội nghị đôn đốc, tăng cường thanh tra đột xuất với các đơn vị chậm đóng… Về phát triển người tham gia, các đơn vị sẽ bám sát kịch bản của Ngành, khai thác dữ liệu thuế, hợp tác xã, tổ chức hội nghị khách hàng, hội nghị nhóm nhỏ đến từng thôn xóm... BHXH các địa phương cũng kiến nghị, BHXH Việt Nam tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các giải pháp trong công tác thu, phát triển người tham gia, KCB BHYT, đồng bộ dữ liệu…
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã có những đánh giá, hướng dẫn, định hướng giải pháp để BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ đề nghị, BHXH các tỉnh, thành phố bám sát các chỉ đạo của BHXH Việt Nam, tham mưu tăng cường hoạt động của các Ban chỉ đạo về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tập trung rà soát các dữ liệu, xác định các nhóm giảm để tập trung đôn đốc, vận động; bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ… Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT cũng đề nghị, BHXH các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT trong những thàng cuối năm; đồng thời phối hợp đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế, phục vụ tốt nhất nhu cầu KCB của người dân…
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ năm 2025, trong đó có nhiều thay đổi lớn về cơ chế chính sách, nhất là về chính sách BHXH tự nguyện. Vì vậy, BHXH Việt Nam cần chủ động truyền thông đi trước một bước để người dân hiểu được ưu điểm của những thay đổi chính sách mới, quyền lợi hưởng mở rộng để khi Luật có hiệu lực người dân đã hiểu, đã biết rồi thì công tác tổ chức triển khai đồng bộ sẽ góp phần phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày một đông đảo hơn, khi “dư địa” còn rất lớn thì chính sách an sinh xã hội sẽ đi vào cuộc sống việc phát triển BHXH tự nguyện sẽ đạt kỳ vọng (hiện mới chỉ phát triển đạt hơn 3%). Vấn đề thứ 2, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cấp, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của Ngành, tiến tới thực hiện BHXH số, đảm bảo tốt công tác quản lý, phát triển Ngành, phát triển người tham gia, tiết kiệm được chi phí trong chi trả lương hưu cũng như công tác tài chính. Vấn đề thứ 3, vừa qua, cơ quan Thanh tra BHXH Việt Nam đã được thành lập theo Nghị định mới của Chính phủ, vì vậy, thời gian tới, BHXH Việt Nam cần tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cũng như công tác giám định các cơ sở y tế kcb trên toàn quốc; có các giải pháp kịp thời quản lý chặt chẽ, đúng quy định Quỹ BHYT, tránh vượt dự toán năm 2024, trong điều kiện nguồn kết dư của Quỹ BHYT còn rất hạn chế. Vấn đề thứ 4, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công đầu tư các quỹ đúng quy định, bảo đảm an toàn, linh hoạt và hiệu quả, góp phần kết dư lớn, đảm bảo các quỹ phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Vấn đề thứ 5, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức không dùng tiền mặt (ATM). Nội dung này đã được Nghị quyết Hội đồng Quản lý BHXH thông qua từ năm 2022. Kết quả BHXH Việt Nam đạt được trong công tác này thời gian qua là rất tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tiến tới chi trả phi tiền mặt. Chi trả qua ATM mang lại rất nhiều lợi ích, tiết kiệm được chi phí của các đơn vị trung gian và đảm bảo chi trả kịp thời. Vấn đề thứ 6, từ ngày 01/8/2024, Luật Đất đai có hiệu lực, liên quan đến công tác quản lý tài sản công, đặc biệt là các trụ sở tại các tỉnh, đồng chỉ Nguyễn Văn Cường đề nghị, BHXH Việt Nam tiến hành rà soát tổng thể, đồng bộ, đảm bảo công tác bàn giao lại cho các địa phương quản lý sử dụng đúng quy định về quản lý tài sản công; đồng thời, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn quỹ. Với các tài sản chưa hết khấu hao khi ban giao lại cho địa phương cần cố gắng thu hồi lại số vốn đầu tư.
Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả toàn Ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương cùng với công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm, chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả toàn diện; Các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHTN, BHYT cơ bản đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; quyền lợi người tham gia được đảm bảo, ngày càng nhanh, thuận tiện; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường cải cách TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đúng kế hoạch theo nội dung tại Đề án 06 của Chính phủ; tích cực xây dựng, sửa đổi các quy trình, quy chế; kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành được đảm bảo… Đây là cơ sở, tạo đà để toàn Ngành tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu kết luận Hội nghị
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc yêu cầu, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương cần bám sát thực tiễn, dự báo từ sớm, từ xa các tình huống để chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các báo cáo để ngày càng ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành và thông tin, thuyết phục.
BHXH các địa phương cần bám sát các chỉ đạo của Ngành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trên địa bàn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp; tiếp tục rà soát các quy trình nghiệp vụ, kịch bản điều hành của Ngành theo sát được thực tiễn, phòng chống rủi ro…
Về công tác thu, phát triển người tham gia cần tăng cường quản lý, không để sót các nhóm, nhất là các nhóm tiềm năng qua thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo thu đúng, thu đủ, quyết liệt trong giảm nợ. Toàn Ngành đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, hiệu quả theo từng thời điểm, vùng miền. Tiếp tục đảm bảo đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, người lao động, doanh nghiệp với tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ, thuận tiện.
Bên cạnh đó, toàn Ngành cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình quản lý, đặc biệt là quy trình nghiệp vụ quản lý thu, thanh quyết toán, tài sản công và đầu tư quỹ; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đảm bảo an toàn thông tin trong quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đào tạo nâng cao trình độ CCVC, người lao động, giỏi chuyên môn sâu, đi cùng tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính - công vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả./.
Theo Phạm Chính (baohiemxahoi.gov.vn)
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024