Trách nhiệm giải quyết hồ sơ cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 để tính hưởng BHXH

11/05/2020 11:50 AM


Có thể nói, pháp luật về Lao động và Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã quy định rất cụ thể, xuyên suốt và có hệ thống về việc tính thời gian công tác trước năm 1995 để tính hưởng BHXH cho người lao động, từ văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và BHXH Việt Nam đến các văn bản pháp quy (Luật BHXH, Luật Lao động hiện hành) đều thống nhất quan điểm: “Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.”

Theo đó, tùy thuộc vào thời điểm nghỉ việc (trước năm 1995 hay đến thời điểm ngày 01/01/1995), thành phần hồ sơ của người lao động (còn đầy đủ hay mất, thiếu hồ sơ gốc) các quy định cũng phân định rõ trình tự, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ yêu cầu tính thời gian công tác trước năm 1995 của các cơ quan nhà nước, cụ thể:

Căn cứ vào thời điểm nghỉ việc:

- Nếu người lao động làm việc liên tục trong khu vực nhà nước đến ngày 01/01/1995 thì do cơ quan BHXH tiếp nhận, giải quyết tính thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH;

- Trường hợp người lao động trong khu vực nhà nước có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng BHXH thì do đơn vị sử dụng lao động rà soát, tập hợp đề nghị Sở Lao động - Thương binh & Xã hội xem xét, trình Bộ chủ quản giải quyết.

Căn cứ vào hồ sơ của người lao động:

- Hồ sơ người lao động làm việc liên tục trong khu vực nhà nước đến ngày 01/01/1995, nếu đầy đủ theo quy định thì do cơ quan BHXH tiếp nhận, giải quyết (theo Khoản 5, Điều 46, Quyết định 595 của BHXH Việt Nam).

- Trường hợp người lao động trong khu vực nhà nước có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 (không thuộc diện nghỉ chờ việc đến ngày 31/12/1994), không còn hồ sơ gốc thì phải có văn bản của cơ quan chủ quản giải trình lý do bị mất, đồng thời xác nhận về quá trình tham gia BHXH và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó; kèm theo các giấy tờ liên quan đến thời gian làm việc, tính chất công việc, tiền lương, tiền công (nếu có).

Đối với các trường hợp này, các đơn vị sử dụng lao động gửi hồ sơ sang Sở Lao động - Thương binh & Xã hội báo cáo UBND tỉnh, gửi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội giải quyết.

Việc phân định rõ trách nhiệm tính thời gian công tác trước năm 1995 để giải quyết chế độ BHXH tránh sự đùn đẩy, chồng chéo của các cơ quan nhà nước liên quan, đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi tham gia./.

SK