Xác định đối tượng là nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo quy định tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP

20/03/2020 10:34 AM


Trong những ngày gần đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai tiếp nhận một số hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu, chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo quy định tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP ngày 24/01/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp hồ sơ đã được giải quyết hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Để hiểu rõ hơn về đối tượng áp dụng Nghị định số 14/2020/NĐ-CP, tránh tình trạng nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu đã được giải quyết theo quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg tiếp tục lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ này theo quy định tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai giới thiệu một số nội dung cần lưu ý như sau:

1. Về đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị định số 14/2020/NĐ-CP cơ bản không khác so với Điều 2 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg nhưng được cụ thể hóa các nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục công lập gồm:

- Cơ sở giáo dục mầm non;

- Cơ sở giáo dục phổ thông;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Cơ sở giáo dục đại học;

- Cơ sở giáo dục thường xuyên;

- Các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội

Bên cạnh đó, Nghị định số 14/2020/NĐ-CP quy định bổ sung một số đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, gồm:

- Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục (hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng BHXH) trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại các cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo thang bảng lương của ngạch viên chức giáo dục;

- Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong; nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.

2. Về điều kiện tính hưởng trợ cấp

Điều kiện tính hưởng trợ cấp (Điều 3) và Mức trợ cấp (Điều 4) Nghị định số 14/2020/NĐ-CP không khác so với Điều 3, Điều 4 Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, về số năm tính hưởng trợ cấp sẽ không bao gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.

Nghị định số 14/2020/NĐ-CP có hiệu thi hành từ ngày 15/3/2020. Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định số 14/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Các đối tượng là nhà giáo quy định tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP đã được giải quyết chế độ theo quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg thì không được hưởng, không được điều chỉnh mức trợ cấp đã hưởng theo quy định tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP.

Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà giáo đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 và đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01/01/2012 theo quy định tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP, các cấp, các ngành, nhất là Ngành Giáo dục - Đào tạo và cơ quan BHXH phải chủ động và tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở khu dân cư; các phòng Giáo dục, cơ sở giáo dục…phổ biến và thông tin đến những nhà giáo đã nghỉ hưu có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định này.

Cơ quan BHXH (tỉnh, huyện) khi tiếp nhận hồ sơ cần kiểm tra, rà soát theo hướng dẫn tại Công văn số 778/BHXH-CSXH ngày 11/3/2020 của BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị định số 14/2020/NĐ-CP, xác định đúng đối tượng, đồng thời tư vấn, giải thích thấu đào đối với các đối tượng đến nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ theo quy định./.

Lê Hoàng