BHXH tỉnh Gia Lai: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT

12/03/2020 01:55 PM


Theo BHXH tỉnh Gia Lai, trong 2 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 84.849 người tham gia BHXH, bằng 10,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 66.845 người tham gia BH thất nghiệp, bằng 8,26% lực lượng lao động trong độ tuổi và 1.309.013 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,12% dân số của tỉnh. BHXH tỉnh cũng đã giải quyết kịp thời 649 hồ sơ hưởng chế độ BHXH hằng tháng và 1.156 hồ sơ hưởng trợ cấp một lần; xét duyệt và chi trả trợ cấp ngắn hạn cho 1.863 lượt người với số tiền 15,32 tỷ đồng…

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập thể CCVC của BHXH tỉnh và BHXH các huyện luôn chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Cùng với đó, đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 121/2019/NQ-HĐND về hỗ trợ thêm mức đóng BHYT năm 2020 cho một số nhóm đối tượng; chủ động phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu để UBND tỉnh giao dự toán chi KCB BHYT năm 2020 cho các cơ sở y tế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT.

BHXH tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường cải cách TTHC và ứng dụng CNTT; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN. Duy trì nghiêm túc việc tổ chức bộ phận “Một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện và Trung tâm Hành chính công của tỉnh và huyện; vận hành có hiệu quả hệ thống giao dịch điện tử trong tiếp nhận, xử lý và trả kết quả trên hệ thống giao dịch điện tử.

Đáng chú ý, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BHXH Việt Nam về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị khi giao dịch về BHXH, BHYT…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BHXH tỉnh Gia Lai cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử: Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng nhưng không đủ bù cho số người đã giảm do ngừng việc, nghỉ việc. Số DN chưa tham gia BHXH, BHYT phần lớn hoạt động manh mún, sử dụng ít lao động; số lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chưa tương xứng với tiềm năng. Số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc diện được NSNN đóng, hỗ trợ đóng (chiếm tỷ lệ 73% trên tổng số người tham gia). Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn cao, với số nợ tính đến cuối tháng 2/2020 lên tới trên 193 tỷ đồng, như: Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (nợ 8,6 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 3 (nợ 8,4 tỷ đồng)…

Năm 2020 là năm bản lề thực hiện các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT theo Nghị quyết số 21-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW. Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, BHXH tỉnh Gia Lai đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, đặc biệt thường xuyên triển khai các nhóm giải pháp tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, nhất là tập trung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, hộ gia đình làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình và HSSV; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trần Ngọc Tuấn