Bài cuối: Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện – có hấp dẫn người dân?

16/10/2019 01:37 PM


Để mọi người dân được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH tự nguyện nói riêng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt

Để mọi người dân được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH tự nguyện nói riêng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp Trung ương Khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TW) đã đề ra mục tiêu tổng quát: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình số 68-CTr/TU ngày 17/9/2018 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, theo đó đến năm 2021 phấn đấu có khoảng 12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 0,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 22% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2030 phấn đấu có khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu của Chương trình số 68-CTr/TU, các cấp, các ngành, hội, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện đến đông đảo người dân, nhất là lao động khu vực phí chính thức bằng nhiều các biện pháp, hình thức phù hợp, trong đó, thực hiện nhiều hơn nữa và mở rộng hình thức đối thoại, trao đổi, tư vấn trực tiếp với người dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể ở cơ sở trong tổ chức triển khai chính sách BHXH tự nguyện.

Ngành BHXH cần chủ động, tích cực, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ nhân viên đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn và ngành Bưu điện, tập trung vào các kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, để người dân thấy được, hiểu được bản chất ưu việt, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, thấy được tham gia BHXH là “tiết kiệm khi trẻ”, “hưởng thụ khi già”. Mở rộng và phát triển đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành là thành viên của các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên…Xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, gần dân, bám dân để tuyên truyền, thuyết phục; niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu, hằng quý và cả năm tổ chức đánh giá, khen thưởng kịp thời đại lý hoạt động hiệu quả, phát triển nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đề xuất, kiến nghị bổ sung, mở rộng chế độ, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện như người tham gia BHXH bắt buộc (bổ sung thêm chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ, tuất hàng tháng); nghiên cứu điều chỉnh điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện theo hướng “ngắn” hơn (khoảng 15 năm đóng BHXH là đủ điều kiện hưởng lương hưu) nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc “đóng – hưởng”. Tăng mức hỗ trợ đóng BHXH đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện. Vận động, khuyến khích và có chính sách ưu đãi (như thuế, các nghĩa vụ tài chính, điều kiện hoạt động kinh doanh...) đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh trong việc hỗ trợ hoặc tài trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Ngành BHXH cần quyết liệt cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư... tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc đăng ký tham gia, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính (giao dịch hồ sơ điện tử, thông qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tiếp tại cơ quan BHXH...) tạo môi trường đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện. Xây dựng, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ; sử dụng quỹ BHXH một cách công khai, minh bạch, đúng mục đích...làm hài lòng người dân, doanh nghiệp./.

Lê Hoàng