Trung thu và những tấm lòng từ tâm

08/09/2010 07:35 AM


Hiện nay, một số trẻ em nghe nói về trung thu với đêm phá cỗ rộn niềm vui như… cổ tích. Bởi lẽ, các em chưa bao giờ được đón một cái Tết thiếu nhi trọn vẹn với sự quan tâm và tình nồng ấm từ gia đình.

Hiện nay, một số trẻ em nghe nói về trung thu với đêm phá cỗ rộn niềm vui như… cổ tích. Bởi lẽ, các em chưa bao giờ được đón một cái Tết thiếu nhi trọn vẹn với sự quan tâm và tình nồng ấm từ gia đình.
 
Những nơi chị Hằng… “chẳng soi”
 
Còn nhớ ngày trước, mỗi lần đến Tết Trung thu, mẹ tôi lại mua những cái bánh được làm bằng thứ bột rẻ tiền, bên trong chứa toàn nhân thịt mỡ. Nhưng chị em chúng tôi đón món quà đó với tâm trạng háo hức và thỏa mãn bởi biết gia cảnh chẳng khá giả gì. Để mua được những cái bánh, hẳn mẹ phải tính toán nhiều lắm. Giờ đây, nếm đủ thứ bánh ngon, đắt tiền nhưng với tôi, chẳng có loại bánh nào ngon hơn những cái bánh mẹ mua ngày nào. Đó là một trong những dư vị ngọt ngào tuổi thơ không dễ gì quên được.
 
Để mua được những chiếc bánh trung thu cho con, nhiều người mẹ nghèo cũng phải đắn đo. Ảnh: N.G
Để mua được những chiếc bánh trung thu cho con, nhiều người mẹ nghèo cũng phải đắn đo. Ảnh: N.G
…Những ngày giáp niên học, nhiều đứa trẻ đang độ tuổi ăn tuổi chơi vẫn phải lặn lội đến từng con phố nhỏ bán vé số. Những dáng hình lầm lũi, bé bỏng giữa trời mưa khiến ai từng qua cảnh gian khó cũng thấy chạnh lòng. Em Nguyễn Văn Tâm, ở huyện Chư Pah, Gia Lai kể: “Bố bỏ mẹ con em từ ngày em còn bé lắm. Mẹ em phải làm thuê khắp nơi để lo cho hai chị em đi học. Hễ đến hè là em lại đi bán vé số kiếm tiền. Siêng đi, số tiền kiếm được cũng đủ cho em đóng tiền học, sách vở cả năm…”. Với những em nhỏ này, một cái bánh trung thu là quá xa xỉ so với gánh nặng cơm áo đang đè nặng đôi vai. Dù đó chỉ là cái Tết của chính mình.
 
Tết Trung thu của các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, nếu may mắn thì nhận được những món quà nhỏ từ những tấm lòng từ tâm, còn lại đều không hề được hưởng niềm vui về ngày của chúng. Cũng không thể trách cha mẹ bởi gia cảnh của họ còn nghèo, còn vất vả cho cuộc mưu sinh đời thường thì còn đâu thời gian để nghĩ đến ngày Trung thu cho con mình. Cùng lắm chỉ lo cho chúng có cơm ăn, áo mặc, được đến trường kiếm cái chữ.
 
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Trung tâm nuôi dưỡng nhiều cháu với các hoàn cảnh éo le khác nhau, đứa đi lang thang, đứa bị bố mẹ bỏ rơi… Dù vậy chúng tôi vẫn cố gắng để các em luôn có những cái Tết Trung thu ý nghĩa với đầy đủ mâm cỗ và các màn múa lân ấn tượng. Nhiều em vui phá cỗ vậy nhưng tận sâu suy nghĩ trẻ thơ, chúng vẫn muốn có bố mẹ ở bên.
 
Cộng đồng cùng chung sức
 
Cách đây hơn 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta vẫn còn trên dưới 27%. Trước tình hình đó, tỉnh đã quyết tâm bằng nhiều biện pháp cụ thể là mỗi năm phải giảm cho được khoảng 7.000-9.000 hộ nghèo. Qua đó, người dân nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa đã được thụ hưởng các chương trình của Chính phủ, của tỉnh. Đây là điều kiện quá thuận lợi để họ có thể thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng từng nói: Việc đánh giá hộ nghèo thực ra là không ổn định bởi các tiêu chí đánh giá thay đổi trong thời gian ngắn. Điều quan trọng là chúng ta phải đồng sức giải quyết vấn đề nghèo đói. Nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư cũng không nằm ngoài mục đích đó.
 
Từ những chương trình này, hàng ngàn hộ nghèo đã có cuộc sống ổn định. Và khi kinh tế khá lên, nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ đến những hành động có ý nghĩa tinh thần cho con. Hẳn rằng từ đó, nhiều trẻ em sẽ được bố mẹ tặng cho những món quà ý nghĩa trong ngày Trung thu… Đây cũng là giải pháp vững bền trong quá trình chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân. Ước mong về một ngày Trung thu, những đêm phá cỗ nức tiếng cười tuổi thơ có lẽ không còn xa, hay cận kề với nhiều em thơ.
 
Bà Ksor H’Nhan- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai nói: “Trung thu nào chúng tôi cũng chuẩn bị quà cho các cháu từ trước. Trong đó, chúng tôi luôn ưu tiên đặc biệt cho các cháu ở vùng sâu, vùng xa. Một số nhà hảo tâm khi được vận động luôn sẵn sàng ủng hộ các em. Chúng tôi hy vọng những món quà nhỏ sẽ đem đến niềm vui nho nhỏ cho các em trong ngày Tết Trung thu. Tuy vậy, nếu cuộc sống của gia đình các em khá lên thì các bậc làm cha làm mẹ chắc chắn sẽ có điều kiện thuận lợi hơn chăm lo cho các em. Và, các em khi được chúng tôi tặng quà cũng hiểu được ý nghĩa của ngày Tết dành cho chúng. Trung thu năm nay, chúng tôi đã và đang vận động các tấm lòng từ tâm để có thể tặng quà Trung thu nhiều hơn cho các em vùng sâu, vùng xa còn gian khó”.   

Theo Báo Gia Lai