Bước đột phá của ngành nông nghiệp: Chuyển dịch giống cây trồng

07/09/2010 09:10 AM


Nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư nhiều dự án nghiên cứu giống cây trồng-vật nuôi, tạo giống mới chuyển giao cho nông dân nuôi trồng đại trà. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư nhiều dự án nghiên cứu giống cây trồng-vật nuôi, tạo giống mới chuyển giao cho nông dân nuôi trồng đại trà. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
 
 
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, kết thúc vụ gieo trồng năm 2009, tổng diện tích cây trồng ngắn ngày toàn tỉnh bị hạn và mất trắng là 3.665 ha (giảm 6.846 ha so với năm 2006). Theo lý giải của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, có nhiều nguyên nhân đạt được kết quả trên, song cơ bản vẫn là chủ trương gieo trồng mùa vụ sớm để tận dụng tối đa nguồn nước thời điểm đầu mùa khô, độ ẩm trong đất và những cơn mưa “trái mùa” nuôi sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng gắn với chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng. Nhờ sự chuyển dịch đồng bộ trên, khi mùa hạn “gõ cửa” đồng đất, cũng là lúc cây trồng mùa vụ bước vào vụ thu hoạch, mang lại niềm vui được mùa cho nông dân.
 
 
Nhờ gieo trồng giống lúa mới nên nông dân thị xã Ayun Pa bội thu trong vụ Đông Xuân 2009-2010. Ảnh: Đ.T
Nhờ gieo trồng giống lúa mới nên nông dân thị xã Ayun Pa bội thu trong vụ Đông Xuân 2009-2010. Ảnh: Đ.T
Anh Tuyng, ở làng Pi Ơn (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho biết vụ Đông Xuân vừa rồi, 7 sào lúa của anh tại cánh đồng Tneng năng suất đạt không dưới 3,5 tấn, cao gần 2 lần so với vụ trước.
Tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) vụ sản xuất Đông Xuân năm 2010 cây lúa không còn gặp hạn cục bộ như những năm trước nhờ vận dụng hai yếu tố thời vụ và cơ cấu giống lúa mới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có huyện Đak Đoa, Chư Prông, mà hầu hết các địa phương của tỉnh hiện nay đều thực hiện đồng bộ hai yếu tố thời vụ và cơ cấu giống mới, ngắn ngày vào sản xuất mùa vụ để khắc chế một phần vấn nạn thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-ông Võ Văn Hưng khẳng định: Vấn nạn hạn cục bộ, mất mùa riêng trên địa bàn huyện ít nhiều được đẩy lùi. Gắn với thành công trên là nhờ nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng chủ lực như mì cao sản, bắp lai, mía, đậu xanh để nông dân thay thế lúa rẫy, gieo trồng tại vùng không đảm bảo nguồn nước. Bổ sung  nhiều cây trồng mới như bí đỏ, dưa hấu, ớt… làm đa dạng cơ cấu giống cây trồng. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng từng năm.     
 
 
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT- ông Lê Văn Lịnh thì kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua, vấn đề dịch chuyển thời gian gieo trồng giữ vai trò thứ yếu, yếu tố quyết định vẫn là việc nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng mới phù hợp với đặc điểm của từng vùng đất.
 
 
Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng triển khai chương trình giống cây trồng; thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng giống mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng ngắn và dài ngày đang giữ vị trí chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh như: Lúa nước, bắp lai, mì, mía, cà phê, hồ tiêu, cao su; đồng thời tạo thêm giống, cây trồng mới đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng của nông dân. Trong cơ cấu giống lúa hiện nay xuất hiện thêm giống lúa mới chất lượng cao như: HT1, N97, TH205, Tám Thơm, TH85, N97, HT7… năng suất bình quân 5-6 tấn/ha, cá biệt vùng Ayun Pa, Phú Thiện, Ia Pa năng suất bình quân đạt từ 6 tấn đến 7 tấn/ha. Đến thời điểm này, mỗi loại cây trồng chủ lực có đến 5-7 loại giống, thậm chí là vài chục loại giống để nông dân lựa chọn đưa vào gieo trồng.
 
 
Tiếp đến là sự hiện diện của cây trồng mới như măng Điền Trúc, hoa chất lượng cao, đậu phụng, sầu riêng, xoài, nhãn, bời lời, rau đậu các loại, các giống cây lâm nghiệp làm đa dạng cơ cấu giống cây trồng để nông dân lựa chọn đưa vào gieo trồng trên quỹ đất có diện tích nhỏ lẻ, tăng thu nhập cải thiện đời sống.
 
 
 
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và PTNT, mức thu nhập 1 ha tiêu hiện nay đạt trên 115 triệu đồng, cà phê trên 43 triệu đồng, cao su đạt trên 36 triệu đồng, lúa nước và mía đạt 22,5 triệu đồng, bắp lai đạt 12 triệu đồng và mì đạt 8 triệu đồng.
Tại các địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng ngắn và dài ngày phù hợp với chất đất đặc trưng, làm cơ sở hình thành mô hình kinh tế trang trại. Vùng phía Đông tỉnh chuyên canh cây mía, mì. Khu vực Ayun Pa, Phú Thiện, Ia Pa cây lúa nước được xem là cây trồng chủ lực. Tiếp đến, vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, cao su trải dài các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah, Chư Prông, Đức Cơ. Phát triển nông nghiệp theo hướng định hình vùng chuyên canh cây trồng bền vững đã nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho nông dân, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh và là cơ sở tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
 
 

Theo Báo Gia Lai