Vùng sâu ngày khai trường...

06/09/2010 08:58 AM


Sáng 5-9, hơn 346 ngàn học sinh toàn tỉnh Gia Lai hân hoan bước vào năm học 2010-2011. Có mặt tại những địa bàn xa nhất, khó khăn nhất, phóng viên Báo Gia Lai đã kịp thời phản ánh không khí nhộn nhịp, náo nức của ngày khai giảng.

Sáng 5-9, hơn 346 ngàn học sinh toàn tỉnh Gia Lai hân hoan bước vào năm học 2010-2011. Có mặt tại những địa bàn xa nhất, khó khăn nhất, phóng viên Báo Gia Lai đã kịp thời phản ánh không khí nhộn nhịp, náo nức của ngày khai giảng.
 
 
Một trong những nơi xa nhất tỉnh là xã Krông Năng (huyện Krông Pa), địa bàn giáp ranh với hai tỉnh Đak Lak và Phú Yên. Bất chấp những khó khăn của một xã vùng sâu, sự học nơi đây vẫn luôn được chú trọng.
 
 
Niềm vui ngày khai trường. Ảnh: Đức Thụy
Niềm vui ngày khai trường. Ảnh: Đức Thụy
“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”
 
 
Trong căn nhà sàn vẫn còn thiếu thốn mọi bề, chị Nay H’Bok (buôn Ji A) vẫn lo đủ cho 3 con đến trường. Chồng mất sớm, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ, song cái vất vả của mưu sinh không thể che lấp được niềm vui của chị khi nhìn thấy lũ nhỏ đến trường tươm tất trong bộ trang phục quần xanh, áo trắng, điểm trên cổ là chiếc khăn quàng đỏ. Cả gia đình hôm nay dậy sớm hơn mọi ngày, 5 giờ sáng cả nhà đã rộn ràng, cô chị cả Nay H’Thúy lo chuẩn bị quần áo, sách vở, các em nhỏ cho bò ăn, riêng người mẹ vội vàng vô bếp bắc vội nồi cơm để các con ăn sáng kịp đến trường.
 
 
Chị H’Bok cho biết: “Dù vất vả nhưng cũng phải cắt xén, tiết kiệm mọi thứ để có tiền cho con đi học. May mà năm nay trúng vụ mè nên cũng có đồng ra đồng vô lo cho lũ nhỏ. Dù khổ đến mấy cũng phải cho các con đi học để chúng thành đạt”.
 
 
Trong không khí khai giảng rộn ràng, chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến Nay H’Yốt-một học sinh khuyết tật lớp 7 của Trường Tiểu học-THCS Krông Năng: Chân em đi lại khó khăn, mắt lại bị tật bẩm sinh nên lúc nào em cũng phải nhìn sát vở thì mới thấy chữ. Thế nhưng, 7 năm liền em đều là học sinh giỏi. Được một suất theo học tại Trường Dân tộc Nội trú huyện, nhưng vì không nỡ xa bạn bè, xa ngôi trường thân quen của mình nên em vẫn theo học tại trường. Nhìn H’Yốt tinh tươm trong bộ đồ mới cùng xếp hàng với bạn bè, chúng tôi như cũng cảm nhận được niềm vui của em khi đón chào năm học mới. Là nơi có 100% các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sinh hoạt và giảng dạy còn nhiều khó khăn nhưng sáng 5-9, toàn thể học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tập trung đầy đủ với khí thế sôi nổi, vui tươi.
 
 
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, huyện Kông Chro trong ngày khai trường. Ảnh: Phương Duyên
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, huyện Kông Chro trong ngày khai trường. Ảnh: Phương Duyên
Còn tại xã vùng sâu Sơn Lang (huyện Kbang), dù cơn mưa nặng hạt khiến không khí chuẩn bị khai giảng của các trường gặp đôi chút khó khăn, nhưng mọi công tác đều đã hoàn tất để đón học sinh đến trường. Anh Đinh Văn Ngưt-một phụ huynh, cho biết: “Nhà mình cách trung tâm xã hơn 3 km, nhưng hôm nay mới ra đây mua cho con mình bộ quần áo mới để vui ngày khai giảng cùng các bạn...”. Khác với mọi năm, trong năm học này tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đến trường nhiều hơn, ý thức học tập và niềm vui trong ngày khai giảng của các em cũng được nhân lên rất nhiều.
 
 
Đinh Chah-có lẽ là một trong số ít học sinh phải đi học xa nhà nhất: Từ xã Kon Pne, vượt qua gần 100 km, em theo học lớp 7 tại  Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Kbang. Em tâm sự trong niềm vui đến trường: “Nhà xa, nên khi có lịch học em đã đến trường tập trung sớm hơn 2 ngày. Nhà nghèo, ba mẹ làm nông nên được đến trường học là hạnh phúc. Do đường xa nên mỗi năm em chỉ về nhà 2 lần, nhưng em và các bạn trong xã được các thầy cô quan tâm rất nhiều. Em sẽ cố gắng học giỏi vì em muốn sau này sẽ làm bộ đội và không phụ lòng thầy-cô giáo...”.
 
 
 
Sáng 5-9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin đã đến dự lễ khai giảng năm học 2010-2011 tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Kbang. Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung cũng đã đến dự lễ khai giảng tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh, Trường THPT Chuyên Hùng Vương và Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Thiện.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện có đến 13 học sinh đến từ xã Kon Pne; vượt qua tất cả khó khăn, hầu hết các em đều đã đạt được kết quả học tập tốt. Những năm qua, 150 học sinh của trường không em nào bỏ học, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 34% và chỉ 0,1% học sinh yếu.
 
 
Thêm vững bước đến trường
 
 
Đặc biệt, trong năm học này, nhiều học sinh từng bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học cũng đã bắt đầu quay trở lại với trường lớp nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” của tỉnh. Sáng 5-9, em Đinh Thưng (lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Du, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) đến trường mà lòng thật nhẹ nhõm. Trước đó, em đã tính nghỉ học vì gia cảnh quá khó khăn: Mẹ mất sớm, năm ngoái cha cũng qua đời vì bệnh nặng, sau Thưng còn có đến hai đứa em. Cả 3 anh em cuối cùng phải sang ở nhờ nhà bác, hàng ngày Thưng học buổi sáng, buổi chiều đi làm công cho người trong làng như trồng và thu hoạch bắp, dưa hấu… Cầm số tiền học bổng trong tay, Thưng ngần ngại dự tính: “Em sẽ mua quần áo mới cho mình và mấy đứa em…”.
 
 
Ngoài học bổng nói trên, nhiều chương trình khác như: Học bổng Phạm Hồng, học bổng Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh cũng đã giúp cho nhiều học sinh của Trường THCS Nguyễn Du tiếp tục công việc đèn sách. Thầy Nguyễn Mộng Cường-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học bổng đã tạo điều kiện rất tốt để việc học của các em không bị gián đoạn. Từ số tiền này, các em có thể sẽ mua thêm được quần áo mới, mua xe đạp để đi học”. Cũng theo thầy Cường, nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh của trường bỏ học là do nhà ở quá xa trường, có khi đến 7-8 cây số. 
 
 
 
Nhờ có học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” mà em Đinh Thưng (phải) được tiếp tục giấc mơ đèn sách. Ảnh: Phương Duyên
Nhờ có học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” mà em Đinh Thưng (phải) được tiếp tục giấc mơ đèn sách. Ảnh: Phương Duyên
Một ngày trước khi diễn ra lễ khai giảng, P.V Báo Gia Lai cũng đã có mặt tại các xã biên giới huyện Đức Cơ. Chúng tôi ghé thăm gia đình cô Rah Lan Nhin (làng Nú-xã Ia Nan)-một trong những gia đình khó khăn và có đông con theo học nhất xã. Chồng bệnh mất, một tay cô phải nuôi nấng 5 đứa con đang theo học, đứa lớn năm nay mới lên lớp 5. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cô vẫn động viên các em đến trường. Cô chia sẻ: “Nhà mình nghèo lắm! Không có tiền nên không may được quần áo mới cho con. Sách vở có Nhà nước hỗ trợ nên các cháu vẫn được đến trường, chúng vui lắm!”.
 
 
Năm học 2010-2011, toàn huyện có 18.695 em, trong đó có 6.116 em là học sinh người dân tộc thiểu số. Đầu năm học, huyện đã cấp phát 46.760 cuốn vở và 4.630 sách giáo khoa các loại cho học sinh dân tộc thiểu số để hỗ trợ các em đến trường. Ngoài ra, từ nguồn quỹ “Học bổng cho học sinh nghèo vượt khó”, huyện cũng đã trao tặng 350 suất học bổng với tổng trị giá 115 triệu đồng cho 350 em học sinh nghèo học giỏi. “Món quà tuy không lớn, nhưng hy vọng rằng sẽ giúp san sẻ phần nào những khó khăn, động viên các em cố gắng hơn trong quá trình học tập, để các em thêm vững bước đến trường”-ông Võ Công Dương-quyền Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đức Cơ, chia sẻ.
 
 
Trong bộn bề cảm xúc của ngày hội khai trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và thời tiết bất lợi, nhưng nhìn chung, tất cả các trường, lễ khai giảng đã diễn ra thành công. Sau phần lễ, phần hội-bước khởi động giúp các em hòa nhập tốt hơn vào năm học mới-diễn ra sôi nổi tại hầu hết các trường trong ngày khai giảng đã khiến học sinh rất phấn chấn với các trò chơi dân gian… Em Lê Văn Tú-học sinh lớp 6C Trường THCS Nguyễn Hiền (huyện Đức Cơ) phấn khởi cho biết: “Lễ khai giảng năm nay rất vui. Chưa bao giờ em được dự lễ khai giảng ý nghĩa như thế, nhất là khi được hòa mình vào các trò chơi dân gian!”.

Theo Báo Gia Lai