Một vùng trầm tích văn hóa

06/09/2010 07:25 AM


Thung lũng Ayun Pa, Gia Lai, nơi gặp nhau của con sông Ayun (sông Mẹ) và sông Pa (sông Cha) bồi đắp nên một vùng đất trù phú bạt ngàn lúa nước, mía, bắp lai và lắng đọng những trầm tích văn hóa độc đáo.

Thung lũng Ayun Pa, Gia Lai, nơi gặp nhau của con sông Ayun (sông Mẹ) và sông Pa (sông Cha) bồi đắp nên một vùng đất trù phú bạt ngàn lúa nước, mía, bắp lai và lắng đọng những trầm tích văn hóa độc đáo.   
 
 
Những ngôi nhà dài
 
 
Già làng Đinh Nhiêu- làng Kte Lớn (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện), tâm sự: “Người Jrai mình ở cái nhà sàn dài. Nhưng trước đây còn nghèo nên ở toàn nhà tạm bợ, nhỏ, hẹp, thấp. Giờ thì khắp xã Ia Yeng mình số đông bà con đều làm được nhà sàn kiên cố, gỗ làm nhà to, chắc nên nhà nào cũng rộng, dài, mát mẻ lắm!”.
 
 
Nhà dài-nét văn hóa đặc sắc của người Jrai . Ảnh: Đ.P
Nhà dài-nét văn hóa đặc sắc của người Jrai . Ảnh: Đ.P
Như nhiều người am hiểu về văn hóa bản địa, già Đinh Nhiêu luôn đau đáu nỗi niềm lưu giữ bản sắc của văn hóa dân tộc mình. Ông nói điều đáng tiếc là hình ảnh ngôi nhà dài, đặc trưng của người Tây Nguyên, trong đó có người Jrai đang ngày càng thưa thớt, thay vào đó là nhà xây kiểu miền xuôi. Bởi vậy, việc người dân quê ông khá lên nhưng không xây nhà lầu đổ “mê” mà vẫn làm nhà dài truyền thống mới là điều đáng mừng. Riêng nhà ông cũng vừa mới làm thêm một nhà sàn dài ghép song song với cái nhà sàn cũ vốn chỉ để dành cho đám thanh niên mượn tổ chức các sinh hoạt cộng đồng và bà con dân làng hội họp (vì con gái út của ông làm cán bộ đoàn xã).
 
 
Ông Rơ Mah Piên ở Plei Pa Amađă, xã Chư Mố (huyện Ia Pa) cũng đồng tình tâm đắc: “Trên 70% nhà ở Chư Mố là nhà dài kiên cố, là một niềm vui lớn. Đã giữ được kiểu nhà truyền thống của ông cha, lại là cái nhà to, chắc, làm đẹp buôn làng, không vui sao được!’.
 
 
Giống như hầu hết những ngôi nhà dài truyền thống ở thung lũng Ayun Pa, những ngôi nhà dài mới dựng ở xã Chư Mố, Ia Broăi (huyện Ia Pa), ở xã Ia Sol, Ia Piar (huyện Phú Thiện), ở Ia Rtô, Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) đều to, dài, khang trang. “Nhưng thay vì làm bằng cột gỗ như trước, bây giờ để bảo vệ rừng, dân làng chuyển sang làm bằng cột, gác sàn bằng những thanh dầm bê tông cốt thép vững chắc, dưới gầm sàn lại xây bao một vài gian làm kho đựng nông sản, vật dụng mà vẫn giữ được nét thẩm mỹ của ngôi nhà sàn dài truyền thống của cha ông để lại”-già làng Ksor Man, buôn Broăi, xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) đắc ý nói.
 
 
Sự no đầy, sung túc của buôn làng không chỉ từ những ngôi nhà dài rộng rãi nổi bật giữa xanh mát ruộng vườn mà còn từ những chiếc máy cày, máy xới, máy gặt, xe công nông, xe máy, từ những kho lúa lèn chặt bên dưới gầm sàn. “Giờ dân mình đã có nhiều lúa, nhiều cái xe máy, phương tiện sản xuất, làm cái nhà sàn dài to lớn thế này có cái gầm sàn cất giữ những thứ ấy thật là tiện lợi...”-già làng Rơcom Pơ, buôn Ama Dương, thị xã Ayun Pa say sưa kể.
 
 
Hình ảnh ngôi nhà sàn dài tít tắp với màu gỗ phô ra từ trụ cột, từ vách tường mái tôn lấp lánh càng ấn tượng hơn bên những ngôi nhà xây kiên cố của người Kinh định cư rải rác dọc quốc lộ 25 khắp thung lũng Ayun Pa. Vựa lúa Ayun Hạ càng ý nghĩa khi chính nó giúp những cư dân Jrai, Bahnar bản địa gìn giữ mái nhà dài, linh hồn của buôn làng như một báu vật.
 
 
Của để dành
 
 
Thời gian qua, trong khi những cổ vật có giá trị của Tây Nguyên không ngừng bị “rút ruột” thì ngược lại ở thung lũng Ayun Pa nhiều người vẫn giữ được những vật phẩm văn hóa vô giá. Già làng Rơ Ô Nang ở Plei Ama Miơng, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) là người tiêu biểu trong việc bảo lưu những giá trị đó. Người Jrai coi cồng chiêng, chum ché và những cổ vật khác là báu vật bởi chúng chính là một phần lai lịch của buôn làng. Giữ được nhiều cồng chiêng, chum ché cổ cũng là cách thể hiện “đẳng cấp” của gia tộc mình. “Ông nội mình là Ama Tý lập ra cái làng này từ lúc chỉ có 3 nóc nhà. Nay làng có đến 118 hộ. Mình giữ lại đồ của ông cha là giữ cho làng. Khi vào hội hay có việc hệ trọng, không có tiếng chiêng trống, không có chum cái ché đem ra dùng, người Jrai không vui bụng được đâu...”- già Rơ Ô Nang bảo thế.
 
 
Già làng Rơ Ô Nang và bộ chiêng, ché cổ là báu vật của gia đình. Ảnh: Đ.P
Già làng Rơ Ô Nang và bộ chiêng, ché cổ là báu vật của gia đình. Ảnh: Đ.P
Ông Rơ Ô Nang còn giữ được hai bộ chiêng cổ Kađơ và Arăp cùng nhiều loại chum ché quý hàng trăm năm tuổi. Thêm một số của hiếm là chiếc khiên gỗ hình nón-vật chắn tên của người Jrai xưa trong giao chiến với kẻ thù và chiếc ché cổ nghe đồn ông bà xưa đổi lại từ những nhà buôn người Lào với giá 20 con trâu lớn. “Bộ chiêng cổ Kađơ có 8 cái lớn nhỏ, chỉ để đánh khi làm lễ cầu mưa, cúng ăn mừng. Còn bộ Arăp có 11 chiếc lớn nhỏ, để đánh trong lễ tang ma. Có nhiều người đến năn nỉ mình bán nhưng làm sao mà bán được. Ông bà mình bán cả mấy chục con vừa trâu vừa ngựa mới sắm được những cái chiêng, ché quý này mà. Mình biết ít ai còn giữ hai bộ chiêng cổ to lớn như mình nên phải giữ lại cho làng...”-già Rơ Ô Nang nói. Có người đã gạ gẫm ông bán hai bộ chiêng quý này với giá hàng chục triệu đồng nhưng ông quyết liệt từ chối.
 
 
Ông Ksor Chăm ở xã Chư Mố đã tự nguyện làm “kẻ dở người” khi bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn để một mình suốt ngày rong ruổi theo con voi già vào tận rừng sâu tìm thức ăn để duy trì sự sống cho nó, trong khi quanh ông người ta lần lượt bán đi những con voi nhà cuối cùng vì nhiều lý do khác nhau. Ông Chăm nói: “Thời chiến tranh ở Chư Mố mình có đến 6 con voi nhà, riêng nhà mình có 2 con dùng để thồ hàng phục vụ bộ đội ta đánh Mỹ. Nhưng giờ thì chỉ còn 1 con mình mua hồi năm 1992”. Có lẽ người quản tượng tuổi ngoại thất thập này biết ông là người duy nhất ở Gia Lai còn giữ được con voi nuôi nơi vùng đất cách đây không lâu voi vẫn được nuôi nhiều như một niềm kiêu hãnh của đại ngàn.

Theo Báo Gia Lai