Cần có Luật Thủ đô
16/11/2010 01:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay, 16-11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô tại phiên họp toàn thể. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp. Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với việc ban hành Luật Thủ đô, song đề nghị chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị rà soát nội dung các cơ chế chính sách đặc thù. Theo đại biểu, nhiều cơ chế không nên đưa vào Luật, bởi “đã là đặc thù để đạt mục đích nào đó thì khi đạt được mục đích rồi phải chấm dứt. Nên khi thấy cần thiết thì để Chính phủ quy định, áp dụng có thời hạn”. Bà Nguyễn Thị Khá cũng rất băn khoăn về những biện pháp hành chính nhằm hạn chế người nhập cư làm gia tăng quá mức dân số Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng 16-11. Ảnh: Minh Điền
“Thóc ở đâu, bồ câu đến đó”, xu hướng nhập cư là tất yếu. Thay vì sử dụng những rào cản hành chính, Hà Nội cần có những biện pháp kinh tế - xã hội như xây dựng đô thị vệ tinh, “kéo” các trường đại học, bệnh viện ra ngoại vi, nhưng phải đảm bảo các điều kiện thiết yếu khác về cơ sở hạ tầng”, đại biểu Nguyễn Thị Khá bình luận. Đại biểu cũng nêu vấn đề, nếu Hà Nội có Công dân danh dự thì các tỉnh khác có quyền này không, khi muốn tôn vinh công dân có nhiều đóng góp cho địa phương mình?
Cùng bàn về vấn đề di dời các trường đại học, bệnh viện lớn ra khỏi khu vực nội đô, song đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhìn nhận từ khía cạnh khác. Ông nói: “Quy định không cho phép xây dựng mới trong nội thành các trường đại học, bệnh viện…, trên thực tế nhiều trường, bệnh viện vẫn đang xây dựng những nhà cao tầng mới. Ngoài ra, một xu hướng rất đáng lưu ý là một số trường thuê nhà cao tầng ở nội thành để đào tạo với quy mô lên tới hàng ngàn sinh viên, gây ách tắc cục bộ rất lớn”. Tương tự, quy định giao cho Hà Nội quản lý hệ thống đường bộ (trừ đường cao tốc, quốc lộ) cũng được đại biểu Lê Văn Học coi là sẽ khiến chính quyền Hà Nội “ôm không xuể”…
Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) chia sẻ quan điểm về việc cần đảm bảo những điều kiện để Luật được thực thi: “Muốn cấm phương tiện cá nhân vào nội đô thì phải có tàu điện ngầm, xe buýt chứ làm sao có thể rủ nhau đi bộ vào thủ đô”?
Phản biện quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Khá, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận định, các văn bản pháp lý cao nhất và Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đều xác đinh vị thế đặc biệt của Thủ đô. “Trên thực tế, có những vấn đề được phân cấp cho Hà Nội mà không giao cho các địa phương khác; ngược lại, cũng có những việc chỉ phân cấp cho tỉnh thành khác mà không phân cấp cho Hà Nội”. Trên cơ sở dẫn chứng, phân tích Hiến pháp năm 1992 và một số luật khác, đại biểu Chu Sơn Hà kết luận: “Quy định về quản lý dân cư trong dự thảo Luật Thủ đô không trái Hiến pháp, cũng không ảnh hưởng đến tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật”.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cũng cho rằng, Ban soạn thảo Luật đã rất lưu ý “vận dụng” nên những quy định đưa ra là không trái với quan tâm đến các cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội. “Tuy có “đụng chạm” đến một số luật khác, nhưng theo nguyên tắc thì Luật sau có thể sửa luật trước cho phù hợp hơn”, ông Đinh Xuân Thảo phát biểu. Tuy nhiên, theo ông, chính cách thể hiện của dự Luật làm cho người ta có cảm tưởng rằng Hà Nội được ưu đãi đặc biệt quá. Ví dụ quy định về “Công dân danh dự”, hiện không có văn bản pháp quy nào hạn chế cả. Các địa phương khác hoàn toàn có thể trao danh hiệu đó cho người dân địa phương mình, nếu xét thấy họ xứng đáng và cần được vinh danh. Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Xuân Thảo cung cấp thêm thông tin, việc áp dụng mức phạt ở khu vực nội thành cao hơn đã được nhiều nước áp dụng. Đơn cử, tại Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh cấm sử dụng xe máy còn thành phố Thượng Hải khi đăng ký xe máy phải nộp một khoản tiền rất lớn.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng 16-11. Ảnh: Minh Điền
Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn về quy định mức xử phạt hành chính trong khu vực nội thành cao hơn so với mức chung của cả nước: “Tăng phạt có giải quyết được bức xúc không? Cơ sở nào quy định mức phạt cao không quá 5 lần cả nước, trong khi thu phí chỉ cao không quá 3 lần”?. Ông Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, trước khi áp dụng Luật Cư trú, chúng ta đã từng áp dụng nhiều biện pháp hành chính để hạn chế dân nhập cư vào thành phố lớn, nhưng không có hiệu quả. “Cho nên quản lý dân cư phải bằng các biện pháp kinh tế xã hội” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Tiếp tục bàn về các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) có phân vân, quy định mức thu phí lưu thông, môi trường… ở khu vực nội thành Hà Nội cao hơn mức bình quân chung có thể gây khó khăn cho một tầng lớp người nghèo đô thị. Tuy nhiên, “nếu người dân Hà Nội đồng ý thì chúng ta cũng nên chấp nhận phương án này, nó thể hiện luận điểm Hà Nội vì cả nước và thực tế là thu nhập bình quân của người dân nội thành cả nước cũng cao hơn mặt bằng chung. Nhưng trước hết, quy định đó phải được người dân Thủ đô đồng thuận”, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.
Đại diện cho một thành phố - siêu đô thị có nhiều nét đặc thù như Thủ đô Hà Nội, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn nhận xét: “Nét đặc thù nhất của Hà Nội mà không nơi nào có chính là vị thế địa chính trị. Còn nhiều “đặc thù” khác là vấn đề chung của các “siêu đô thị”. Cho nên, Luật chỉ nên quy định những cơ chế đặc thù để đáp ứng vai trò trung tâm chính trị của Thủ đô hoặc Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có giá trị như luật về Thủ đô và chuẩn bị bài bản hơn cho việc xây dựng Luật Thủ đô.
Theo SGGPO
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...