Thực hiện BHXH với các hình thức quan hệ lao động mới: Thực trạng và vấn đề đặt ra

28/09/2020 07:16 AM


Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/8/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách BHXH đã đặt ra vấn đề xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhất là thích ứng, phù hợp với sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Trong bối cảnh quan hệ lao động thay đổi nhanh chóng do sự tác động của công nghệ, đây là vấn đề mới đã và đang đặt ra với nhiều quốc gia, không chỉ riêng với Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

 

Xu thế mang tính toàn cầu

Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, dễ dàng nhận thấy các hình thức quan hệ việc làm mới sẽ theo đó xuất hiện. Nền tảng kỹ thuật số đáp ứng tốt hơn những biến động liên tục về nhu cầu của cả chủ sử dụng lao động và người lao động một cách hiệu quả và với chi phí thấp. Ngoài ra, chúng có khả năng mở rộng, linh hoạt và thích ứng với các thị trường khác nhau và cho phép chủ sở hữu nền tảng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chọn khu vực pháp lý có lợi nhất cho mục đích thuế.

Trên thực tế, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng, các hình thức việc làm mới đã chiếm hơn một phần ba tổng số việc làm tại nhóm các quốc gia phát triển (OECD, 2019). Có thể kể đến các hình thức việc làm kiểu như: công việc bán thời gian, lao động đại lý tạm thời, các mối quan hệ lao động trá hình và tự kinh doanh phụ thuộc, hợp đồng dựa trên chứng từ và hợp đồng không giờ… Tất cả đều tăng phổ biến với sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số. Điều này dẫn đến khó khăn rất lớn trong vấn để bảo vệ người lao động, việc thực hiện các chế độ an toàn, an sinh xã hội khi không có các hợp đồng tuyển dụng, các thỏa thuận tương tự như truyền thống vốn đã được điều chỉnh trong luật.

Ví dụ được thấy rõ nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ với các thương hiệu phổ biến toàn cầu như Uber, Grab… Câu hỏi được đặt ra là: người lao động/tài xế công nghệ dạng này có phải đóng BHXH không ?

Tại một số quốc gia, hệ thống luật đã được điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với sự biến động nhanh chóng của thị trường lao động, mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an toàn, an sinh cho người lao động/tài xế công nghệ với các chế độ BHXH cơ bản.

Tiêu biểu như, tại Uruguay, từ năm 2017, các tài xế công nghệ được yêu cầu đăng ký với tư cách là một doanh nghiệp nhỏ với chính quyền địa phương để có được giấy phép và đăng ký với Tổ chức an sinh xã hội Uruguay, Ngân hàng BHXH (Banco de Previsión Social - BPS). Theo đó, những người này phải đóng thuế và một số khoản đóng góp cho BPS để nhận được các chế độ BHXH.

Tại Rio de Janeiro, Brazil, kể từ tháng 5/2018, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải ứng dụng công nghệ (như Uber, 99, Lyft và Cabify) có nghĩa vụ trả 01% thuế cho mỗi chuyến vận tải thành công. Ngoài ra, người tài xế công nghệ phải đăng ký thông tin cá nhân và phương tiện với Sở Giao thông Vận tải thành phố, với yêu cầu đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn, tiện nghi, vệ sinh và chất lượng trong việc cung cấp dịch vụ. Đổi lại, họ sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn và hưởng các chế độ an sinh (gồm chế độ: ốm đau, thai sản, lương hưu).

Tại Indonesia, kể từ năm 2017, BPJS Ketenagakerjaan - Cơ quan quản lý an sinh xã hội quốc gia về việc làm đã bắt đầu hợp tác với GO-JEK (một nhà cung cấp dịch vụ gọi xe theo yêu cầu hoạt động tại 50 thành phố)và Ngân hàng Mandiri. Hợp tác 03 bên cho phép thực hiện các quy định nhằm đảm bảo người laođộng được hưởng trợ cấp thương tật và tử vong; việc đăng ký và cơ chế thu tiền đóng góp được đơn giản hóa. Theo đó, người laođộng/tài xế công nghệ phải đăng ký trực tuyến thông qua một trang web do BPJS và GO-JEK phát triển. Mỗi tháng, khoản đóng góp trị giá 16.800 rupiah Indonesia (1,18 đô la Mỹ) sẽ tự động được rút từ tài khoản số dư GO-JEK của người lao động để đóng góp vào quỹ chi trả tai nạn lao động (JKK) và tử vong (JKM). Kể từ khi thực hiện quan hệ đối tác này, BPJS ước tính rằng trung bình có khoảng 7.000 tài xế GO-JEK đã đăng ký hàng tháng.

Tại Malaysia, một giải pháp tương tự đã được Tổ chức An sinh xã hội (PERKESO) phối hợp với ứng dụng gọi xe GRAB CAR thực hiện. Kể từ tháng 11/ 2018, các tài xế bắt buộc phải đăng ký và đóng góp cho PERKESO để lấy/gia hạn giấy phép xe dịch vụ công cộng và được phép cung cấp dịch vụ. Khoản đóng góp là từ 157,20 đến 592,80 ringgit Malaysia mỗi năm và phạm vi bảo hiểm tùy thuộc vào gói mà đối tác-tài xế lựa chọn.

Có thể thấy, mặc dù hình thức quan hệ lao động mới xuất hiện ngày càng nhiều trước sự phát triển mạnh của công nghệ, tuy nhiên, tổ chức an sinh xã hội tại các quốc gia trên vẫn có thể tiến hành thu phí BHXH đối với người lao động theo cách thức và mức độ khác nhau.

Thực tế tại Việt Nam

Người dân Việt Nam đã và đang ngày càng dần quen sử dụng các ứng dụng gọi xe công nghệ hay các sản phẩm dịch vụ được cung cấp qua ứng dụng công nghệ nào đó. Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các chế độ BHXH, BHYT với người laođộng trong trường hợp này cũng đã và đang được đặt ra.

Theo Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: Người laođộng là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Tại Khoản 5 Điều 3 quy định: Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 2019 có nói rằng: Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Vì vậy, theo những quy định này thì giữa tài xế lái xe công nghệ và công ty quản lý công nghệ như Grab hay Be, Gojek… có quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 10/2020/ NĐ – CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020 chỉ rõ: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

Tại Khoản 7 của Điều này khẳng định: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). Theo quy định này thì loại hình vận tải đặt qua ứng dụng trực tuyến được gọi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định.

Điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định 10/2020/ NĐ – CP nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm: Ký hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động.

Dù vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các ứng dụng kết nối người lao động với chủ sử dụng lao động sẽ ngày càng phát triển, không chỉ riêng với lĩnh vực kinh doanh vận tải, tất yếu đòi hỏi các các quy định chặt chẽ hơn. Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021 và cần được hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn để đảm bảo đi vào cuộc sống. Cùng với đó là sự điều chỉnh các quy định trong Luật BHXH cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội, 2014, Luật BHXH.

2. Quốc hội, 2019, Bộ luật Lao động.

3. Chính phủ, 2020, Nghị định số 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

4. Bộ Giao thông Vận tải, 2020, Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

5. OECD. 2018a. AI: Intelligent machines, smart policies – Conference summary. Paris, Organisation for Economic Co-operation and Development.

6. OECD. 2018b. Automation, skills use and training (OECD Social, employment and migration working paper, No. 202).Paris, Organisation for Economic Co-operation and Development.

7. OECD. 2018c. The future of social protection: What works for non-standard workers?. Paris, Organisation for Economic Co-operation and Development.

8. OECD. 2019. The future of work: OECD employment outlook 2019. Paris, Organisation for Economic Co-operation and Development.

9. ILO. 2019. Social security for the digital age Addressing the new challenges and opportunities for social security systems. Geneve, Organisation for International Social Security Association.

ThS NCS.Lâm Thị Thu Huyền- Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân