Để BHXH là biện pháp hiệu quả đảm bảo ASXH trong dịch bệnh

23/09/2020 02:21 PM


Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Tình hình đó đòi hỏi cả nước vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Trên thế giới, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Covid-19 đang là một đòn giáng vào kinh tế toàn cầu. Ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020. Theo báo cáo, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch Covid-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870. Báo cáo của WB cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay.

Một đánh giá khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động cho thấy, đại dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và hàng trăm triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo ILO, số giờ làm việc tiếp tục giảm mạnh trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 sẽ khiến 1,6 tỷ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, tương đương gần nửa lực lượng lao động toàn cầu, đứng trước nguy cơ bị mất sinh kế. Số liệu của ILO cũng cho thấy, hơn 436 triệu doanh nghiệp toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động nghiêm trọng. Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Việt Nam, thời gian qua dịch Covid đã tác động mạnh đến đảm bảo an sinh của người dân, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp chủ động ứng phó với dịch Covid-19 như: tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách hành chính, gói hỗ trợ an sinh xã hội. Trong lĩnh vực BHXH, ngành BHXH đã chủ động thực hiện các biện pháp như: hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) trong khai báo y tế điện tử, đóng nộp BHXH, BHYT; xây dựng chương trình, đề xuất những phương án, cách thức giúp kết nối, liên thông, chia sẻ Cơ sở dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế để phục vụ cho công tác khai báo y tế của người dân được diễn ra thuận tiện, đảm bảo chính xác, hiệu quả; tích cực phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ như: giãn đóng BHXH, BHYT, giải quyết BHTN… đã góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Để tiếp tục phát huy những kết quả thời gian qua, đồng thời tiếp tục khẳng định chính sách BHXH là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội, chủ động ứng phó với đại dịch covid-19 đang còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, theo chúng tôi cần tập trung một số giải pháp như:

Thứ nhất, Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức tuyên truyền về chính sách BHXH để người sử dụng lao động, người lao động và người dân thấy rõ bản chất ưu việt của BHXH là một chính sách ASXH trụ cột của Nhà nước, được Nhà nước quản lý và bảo hộ. Những lợi ích và ưu việt của chế độ lương hưu khi người lao động tham gia BHXH như đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động, bảo đảm chăm sóc sức khỏe với BHYT do Quỹ BHXH cấp. Với một số đối tượng NLĐ về hưu mà lương hưu không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, Nhà nước sẽ có chính sách điều chỉnh lương hưu kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Trong đó cần quan tâm hơn nữa việc phối hợp trong tuyên truyền và thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt chính sách BHXH tự nguyện, tăng cường sự tham gia của các cấp các ngành, đoàn thể, vai trò các hội, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ.. để người dân biết được tính ưu việt, nhân văn của chính sách này, nắm được quy trình thủ tục tham gia và hưởng chế độ. Cần phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò chủ động của ngành BHXH trong việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo và phối hợp với các ngành có liên quan. Cần thiết xây dựng đề án tăng cường hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc tuyên truyền, cơ quan nhà nước có liên quan cần nghiên cứu dành nguồn kinh phí hàng năm thúc đẩy việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện để người dân biết tham gia. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 cần giải quyết chính sách một cách đầy đủ, kịp thời coi đây là một biện pháp tuyên truyền "hữu xạ tự nhiên hương" quan trọng để hấp dẫn người dân nói chung và người lao động nói riêng tìm đến với BHXH.

Thứ hai, đề xuất đẩy mạnh việc sửa đổi chính sách nhằm nâng cao hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc hỗ trợ phí đóng BHXH tự nguyện ở một mức nhất định nhằm đảm bảo tính công bằng, tuy nhiên ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương như: người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp, nông thôn… đảm bảo để những người thực sự có nhu cầu tham gia, hộ có thu nhập ổn định, song thu nhập của họ còn hạn chế, chưa đủ kinh phí để duy trì việc đóng BHXH tự nguyện có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, cần tránh việc hỗ trợ cào bằng, không đủ sức khuyến khích người dân tham gia hoặc hỗ trợ quá mức tạo ra việc ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều khuyến nghị của một số nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH, cho thấy cần đẩy nhanh thông qua “kích cầu” của Nhà nước; đầu tiên hỗ trợ cao để mở rộng diện tham gia, sau đó giảm dần mức hỗ trợ. Kinh nghiệm của Trung Quốc cần hỗ trợ 50% - 50%, song với hộ cận nghèo và hộ nghèo thì cần hỗ trợ tăng thêm nữa để thời gian đầu phát triển diện rộng, sau đó từ từ điều chỉnh tỷ lệ này thì mới đạt mục tiêu. Nếu mỗi năm Nhà nước bỏ ra 2.000-3.000 tỷ đồng và giải quyết được 400.000 - 500.000 lao động tham gia BHXH - đây chính là nhằm mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, bền vững.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa việc đơn giản các thủ tục hành chính trong các cơ quan cung cấp dịch vụ công, đặc biệt đối với ngành BHXH cần đảm bảo việc giao dịch "Một cửa", ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH, giải quyết các chế độ của người lao động nói riêng và người dân nói chung. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ, tăng cường tính năng chia sẻ và kết nối dữ liệu để phục vụ hiệu quả nhất chính sách BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội quốc gia nói chung. Tiến tới thực hiện phương châm của ngành BHXH ngày một hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ tư, các ngành có liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Bảo hiểm xã hội… cần nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó cần tập trung vào các nội dung về tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện, hỗ trợ đối tượng tham gia về phí đóng góp định kỳ. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH tự nguyện. Mở rộng dần chính sách BHXH tự nguyện đối với các chế độ thai sản, ốm đau và tai nạn lao động để tăng tính linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của người tham gia.

Thứ sáu, tập trung đổi mới, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách của BHXH ở cơ sở, đặc biệt BHXH cấp huyện, kịp thời ứng phó với những đòi hỏi của tình hình mới.

TS.Bùi Sỹ Tuấn (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)