BHXH toàn dân: Bước phát triển trong tư duy lý luận (Bài 02)

01/06/2020 08:39 AM


Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH đã nêu định hướng: Mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Từ định hướng thực hiện BHXH cho mọi người lao động đến BHXH toàn dân là một bước chuyển lớn về quan điểm của Đảng, hướng tới xây dựng một hệ thống An sinh xã hội mang tính toàn diện, cụ thể hóa nội dung đã được hiến định về quyền được đảm bảo An sinh xã hội của công dân trong Hiến pháp năm 2013.

(Ảnh minh họa)

 

Yêu cầu đặt ra từ thực tiễn

Những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH đều rất mới mẻ về lý luận, thực tiễn cả trong nước và quốc tế. Do đó, tất yếu đòi hỏi nâng cao năng lực và hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về BHXH – đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 28.

Cụ thể hơn, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân cần chú trọng các nội dung cơ bản sau:

Một là, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật. Đúng như Nghị quyết 28 đã nhấn mạnh: cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Để bảo đảm tính nhất quán trong toàn bộ hệ thống các chế độ BHXH theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, liên quan đến Hệ thống An sinh xã hội của Việt Nam, đặt ra vấn đề cấp bách và lâu dài là phải thiết kế lại hệ thống chính sách xã hội một cách bài bản, khoa học, phát huy truyền thống của dân tộc ta và học tập được những tinh hoa của thế giới.  

Bối cảnh kinh tế xã hội nước ta đã và đang phát triển không ngừng. Già hóa dân số hay sự thay đổi của thị trường lao động do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, thiên tai và đặc biệt là sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy những ưu điểm, hạn chế của hệ thống An sinh xã hội. Thực tiễn này đòi hỏi quá trình thích ứng, bắt đầu từ quá trình xây dựng chính sách phải mang tính chủ động, linh hoạt hơn.Gói hỗ trợ An sinh của Chính phủ tới người dân, doanh nghiệp là rất kịp thời; song cần có các nguồn hỗ trợ mang tính chủ động, dự phòng mạnh mẽ hơn. Các chế độ BHXH hay BHTN là cứu cánh cho người lao động, người dân nhưng vẫn còn những hạn chế đã được nêu trong Nghị quyết 28, đòi hỏi quá trình hoàn thiện chính sách phải nhanh hơn vì nhu cầu bảo đảm An sinh xã hội đang ngày càng lớn, bao phủ đến nhiều nhóm đối tượng hơn. Công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách phải chủ động hơn nữa, tạo những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức thực hiện. Đòi hỏi của thực tiễn cần phải rà soát, hệ thống hóa lại toàn bộ các chính sách xã hội đã ban hành cùng với các nguồn tài chính để làm rõ hơn tính hiệu quả, đâu là sự đóng góp của người tham gia, đâu là sự hỗ trợ của nhà nước, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, diện bao phủ của chính sách đã phù hợp chưa, cần mở rộng như thế nào? Đã đến lúc cần phải nghiên cứu mở rộng chính sách cho phù hợp với xu thế thời đại như: chế độ chăm sóc gia đình (đặc biệt chăm sóc người già) được ILO khuyến nghị trong Công ước số 102 từ tháng 6 năm 1952 đến nay đã có rất nhiều quốc gia thực hiện, phù hợp với xu hướng già hóa dân số và thiết chế gia đình xã hội hiện đại. Hiện nay, các chính sách xã hội của nước ta đang có sự trùng chéo, phân tán, cần thiết phải có sự nghiên cứu, phân tích, tổng hợp để tích hợp, liên thông các chính sách xã hội có cùng bản chất, cùng đối tượng, cùng nguyên tắc, cùng cơ chế tài chính… để quản lý chặt chẽ và hiệu quả. 

Hai là, nâng cao hiệu quả mở rộng diện bao phủ BHXH, trước hết cần thay đổi nhận thức về việc bắt buộc tham gia BHXH theo hợp đồng lao động bằng việc nghiên cứu để bắt buộc tất cả những người có thu nhập phải tham gia BHXH, đây là một vấn đề rất khó đối với Việt Nam bởi chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập. Chừng nào chúng ta công khai, minh bạch, kiểm soát được thu nhập, quy định tự động trích nộp BHXH từ tài khoản cá nhân để nộp BHXH, BHYT và các nghĩa vụ về an sinh xã hội sẽ giúp giảm bớt rất nhiều cơ quan phải lo phát triển đối tượng tham gia và thu các khoản đóng góp như một số quốc gia tiên tiến đã áp dụng. 

Ba là, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, đảm bảo quyền lợi BHXH của người dân. Với vai trò là một trụ cột chính, chính sách an sinh mang tính dài hạn, vì vậy quá trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi cần phải được công khai, minh bạch, có cơ chế và công cụ để người dân giám sát cơ quan thực hiện, qua đó từng bước xây dựng niềm tin từ người dân, tích cực tham gia. Nghị quyết 28-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu hết sức cụ thể, nhất là về chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số giờ giao dịch thủ tục hành chính, chỉ số hài lòng… để cơ quan BHXH từng bước hướng tới, nâng cao chất lượng phục vụ. Cần nhấn mạnh rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bằng máy móc, hệ thống phần mềm rất quan trọng, song yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt; tinh thần thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm trong công việc… là nền tảng quan trọng xây dựng niềm tin từ người dân với hệ thống BHXH. 

Bốn là, đẩy mạnh truyền thông, chú trọng truyền thông về lý luận, thực tiễn BHXH. Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Trước đó, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 96-NQ/BCS về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đưa ra khá toàn diện, cần đẩy mạnh triển khai để đạt hiệu quả trong thực tiễn. Lưu ý rằng, Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền BHXH của Chính phủ đã xác định mục tiêu: đến năm 2025, 100% cán bộ đảng viên, người lao động được tuyên truyền về những nội dung cải cách của chính sách BHXH. Các nội dung cải cách chính sách BHXH khá phức tạp, mang tính khoa học hàn lâm nhất định, do dó truyền tải thông điệp về nội dung này không dễ dàng chút nào; vừa đòi hỏi am hiểu sâu chủ trương chính sách, vừa liên hệ vận dụng tình hình thực tiễn để thuyết phục, truyền thông. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông BHXH là yếu tố quan trọng và được nêu trong Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền của Chính phủ và cần được triển khai bài bản. Dù vậy, trước mắt, đội ngũ cán bộ cơ quan BHXH, hơn ai hết là những người am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, cần phát huy vai trò, chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận, kiến thức thực tiễn, trau dồi các kỹ năng truyền thông từ đó lan tỏa đến cộng đồng. Cần xác định truyền thông là một quá trình dài hạn, lâu dài với một chiến lược xuyên suốt, bài bản, hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng văn hóa BHXH, tạo nếp quen tham gia, thụ hưởng BHXH trong Nhân dân. Đây là nền tảng để phát triển BHXH toàn dân, bảo đảm An sinh xã hội bền vững.

BHXH toàn dân: Bước phát triển trong tư duy lý luận (Bài 01)

ThS.Điều Bá Được

http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn