WHO tăng cường hỗ trợ BHXH Việt Nam trong lĩnh vực y tế

03/06/2020 07:23 AM


Sáng ngày 02/06/2020, tại trụ sở BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn có buổi tiếp và làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam do ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam làm trưởng đoàn.

 

Phát biểu chào mừng ông Kidong Park và nhóm chuyên gia kỹ thuật của WHO, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự hỗ trợ giúp đỡ của WHO đối với lĩnh vực y tế nói chung, BHXH Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, thời gian qua WHO đã chung tay cùng với Việt Nam trong công tác phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid - 19.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn mong muốn, trên nền tảng sự hỗ trợ từ trước đến nay, BHXH Việt Nam mong muốn thời gian tới, WHO sẽ tiếp tục trợ giúp BHXH Việt Nam trong lĩnh vực BHYT như tài chính y tế, thuốc, dược vật tư y tế, đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ BHXH Việt Nam sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về y tế mà BHXH Việt Nam đang ứng dụng.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Kidong Park gửi lời chúc mừng những thành tựu to lớn của BHXH Việt Nam đã đạt được sau 25 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, ông Kidong Park đánh giá cao hệ thống y tế của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Ông Park cho rằng, thành công này có nhiều yếu tố mang lại trong đó phải kể đến nguyên nhân Việt Nam đã rất quan tâm và xây dựng được một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và hệ thống thông tin giám định và thanh toán BHYT được ứng dụng kịp thời, hiệu quả.

Ông Kidong Park cũng cảm ơn và đánh giá cao sự nhìn nhận của BHXH Việt Nam về vai trò của WHO liên quan đến tư vấn, hỗ trợ y tế Việt Nam nói chung, BHYT nói riêng. Ông Park cũng cho rằng, BHXH Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống y tế bởi BHXH đang có nền tảng là hệ thống cơ sở dữ liệu với 90% dân số tham gia BHYT, đây là yếu tố quan trọng giúp các nhà quản lý đưa ra được các quyết sách phù hợp trong chỉ đạo, điều hành.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo kết quả hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong thời gian qua. Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế kiêm phụ trách Ban Chính sách BHYT Lê Văn Phúc đề xuất các nội dung hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong thời gian tới. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất WHO hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá thực hiện Luật BHYT từ năm 2015 đến nay, trong đó tiến hành xây dựng đề cương đánh giá; thu thập và phân tích số liệu thứ cấp; khảo sát tại địa phương; cung ấp kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách BHYT. Qua đó đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và các các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHYT.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ kỹ thuật trong đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Trong đó, thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRGs); Hỗ trợ chuyên gia đào tạo kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệp quốc tế trong thực hiện DRGs. Hỗ trợ xây dựng các quy tắc giám định phục vụ giám định điện tử. Nâng cao năng lực quản lý chi phí và sử dụng hợp lý thuốc và vật tư y tế; đàm phán giá thuốc và vật tư y tế; cung cấp kinh nghiệm quốc tế và đàm phán giá thuốc; cung cấp dữ liệu về gia thuốc thực hiện đàm phán tại các quốc gia; kinh nghiệm đấu thầu thuốc tại các quốc gia trên thế giới và định hướng cho Việt Nam; kinh nghiệm mua sắm vật tư y tế và khuyến cáo cho Việt Nam. Hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực quản trị hệ thống, đào tạo về chuyên môn, phương thức thanh toán, quản lý thuốc vật tư y tế…

Trước những đề xuất hỗ trợ của BHXH Việt Nam, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ lĩnh vực y tế nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng, trong đó sẽ cùng với BHXH Việt Nam thực hiện nghiên cứu khảo sát thực tế, đánh giá triển khai Luật BHYT, tiếp tục hỗ trợ BHXH hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT cũng như trong thay đổi các phương thức thanh toán BHYT. Liên quan đến vấn đề đào tạo, WHO sẽ xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, cử chuyên gia hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ của BHXH Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Trước mắt, có thể thông qua các hình thức hội thảo trực tuyến trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa kiểm soát tốt tình trạng dịch Covid-19.

Cũng trong buổi làm việc này, BHXH Việt Nam và WHO đã khởi động hoạt động hợp tác trong lĩnh vực Dược "Gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả".

Phát biểu khởi động hoạt động dự án, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, chi phí thuốc luôn chiếm tỷ trọng cao, và là một trong mối quan tâm cần thiết phải quản lý của cơ quan BHXH, đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn. Trong đó, việc sử dụng và chi trả thuốc kháng sinh luôn là một thách thức trong quản lý, bên cạnh việc sử dụng và chi trả hợp lý, an toàn và hiệu quả, BHXH Việt Nam còn đồng hành với Bộ Y tế trong các chương trình kiểm soát chống kháng thuốc, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT. Do vậy cần có các công cụ, chỉ số giúp cảnh báo, khuyến nghị chính sách để đảm bảo mục tiêu trên. "Việc phân loại ATC của WHO với 5 cấp độ cho phép quản lý thuốc được tốt hơn, khắc phục việc sử dụng mã thuốc (mã hoạt chất) như hiện tại. Việc xác định liều hàng ngày đối với thuốc kháng sinh là một công cụ để đánh giá thực trạng, phân tích việc sử dụng thuốc kháng sinh tại các cơ sở KCB. Do vậy hoạt động gắn mã ATC và xác định liều DDD cho thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả là một hoạt động cần thiết, hữu ích, góp phần quản lý thuốc hiệu quả" - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nêu bật ý nghĩa.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng khẳng định với sự hợp tác, hỗ trợ của WHO trong ký kết hợp tác hoạt động: Gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được Quỹ BHYT chi trả sẽ góp phần đảm bảo công tác khám chữa bệnh BHYT đạt hiệu quả.

"Để hoạt động thực hiện hiệu quả, BHXH Việt Nam đã thành lập nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực dược của BHXH Việt Nam và sự phối hợp của Cục KCB, Vụ BHYT, Trường đại học Dược Hà Nội" - Phó Tổng Giám đốc thông tin. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương sơn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tập trung thực hiện hiệu quả hoạt động dự án; các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hỗ trợ, tạo nguồn lực để hoạt động được thực hiện hiệu quả nhất.

Ông Kidong Park cho rằng, hoạt động gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả là cần thiết. Điều đó sẽ góp phần giúp BHXH Việt Nam đưa ra được các quyết sách hiệu quả trong thanh toán thuốc BHYT. Việc khởi động hoạt động này sẽ góp phần những bước đầu tiên trong sử dụng thuốc kháng sinh nói riêng, tiến tới sử dụng thuốc một cách hợp lý và hiệu quả trong điều trị.

Giới thiệu về hoạt động  gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả, đại diện Ban Dược và Vật tư y tế cho biết, tại Việt Nam, chi phí thuốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi KCB BHYT với khoảng 35 nghìn tỷ đồng năm 2017; 39,6 nghìn tỷ đồng  năm 2018 và 41,8 nghìn tỷ đồng năm 2019, tương ứng 34.9%, 35,9% và 35.55% chi KCB BHYT. Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc căn cứ danh mục, điều kiện và tỷ lệ thanh toán, do Bộ Y tế quy định. Cơ sở KCB thực hiện mua sắm và cung ứng thuốc theo quy định của luật đấu thầu. Danh mục thuốc do Bộ Y tế quy định thường được điều chỉnh, cập nhật mới khoảng 3-4 năm. Sau mỗi lần điều chỉnh, thứ tự của thuốc thay đổi, và mã hoạt chất thay đổi theo sự điều chỉnh, dẫn đến những khó khăn cho công tác quản lý. Đối với thuốc tân dược, hiện tại quỹ BHYT đang chi trả dựa theo Thông tư 30/2018/TT-BYT, ngày 30/10/2018 và được sửa đổi, điều chỉnh bởi Thông tư 01/2020/TT-BYT ngày 16/1/2020 của Bộ Y tế. Thuốc tại Thông tư 30 chỉ quy định theo tên hoạt chất, với đường dùng, không quy định cụ thể nồng độ, hàm lượng của thuốc. Danh mục thuốc theo Thông tư 30 sử dụng phân loại theo mã ATC với 27 nhóm lớn, và một số nhóm nhỏ, đa số thuốc chỉ phân loại theo ATC ở cấp độ 2,3; Trong khi phân loại ATC và DDD của WHO đã phân loại thuốc theo mã ATC theo 5 cấp độ (nhóm chính, tác dụng điều trị, dược lý, cấu trúc hóa học thuốc theo hoạt chất) và gắn DDD với từng thuốc theo tên hoạt chất, đường dùng. Việc áp dụng phân loại ATC của WHO giúp quản lý thuốc tốt hơn. Và việc xác định liều hàng ngày DDD của WHO là một công cụ hữu ích trong đánh giá tiêu thụ thuốc, nhất là thuốc kháng sinh tại các cơ sở KCB. Thông tư 30 hiện tại có 1030 thuốc hoạt chất và phối hợp, trong đó có 168 thuốc kháng khuẩn, tương ứng với hàng chục nghìn thuốc theo tên thương mại với hàm lượng, dạng bào chế khác nhau và cơ sở sản xuất khác nhau.

Về tiêu thụ, thuốc kháng sinh chiếm tỷ trọng cao trong chi phí thuốc BHYT. Năm 2018, trong 50 thuốc chi trả BHYT lớn nhất, có 17 thuốc kháng sinh. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc kháng khuẩn vẫn còn nhiều bất cập như sử dụng chưa hợp lý; báo động tình trạng kháng thuốc. Kháng kháng sinh dẫn đến phải sử dụng thuốc kháng sinh đắt hơn, thời gian điều trị dài hơn, dẫn đến chi phí điều trị cao, ảnh hưởng đến chi tiêu của quỹ BHYT cũng như phần người bệnh BHYT phải cùng chi trả, đặc biệt có nguy cơ không có thuốc điều trị. Do vậy, cần phải có các công cụ để quản lý, giám sát tiêu thụ thuốc của các cơ sở KCB, từ đó có các chính sách phù hợp để cải thiện tình trạng sử dụng thuốc trong bệnh viện đảm bảo mục tiêu sử dụng hợp lý, giảm chi phí thuốc và đáp ứng tốt hơn cho người bệnh Phân loại ATC và DDD của WHO là một công cụ giúp quản lý thuốc tốt và đánh giá tiêu thụ, xu hướng sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh./.

 

Được sự hỗ trợ và chỉ đạo của lãnh đạo WHO và BHXH Việt Nam, nhóm kỹ thuật đã bàn bạc, thảo luận, xác định và đề xuất phạm vi, nội dung thực hiện hoạt động và ngày 27/5/2020, lãnh đạo hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này.

Theo đó nội dung của hoạt động bao gồm, từ tháng 5-8/2020, xác định nguyên tắc, tập huấn, gắn mã và kiểm tra mã ATC kết hợp liều DDD theo WHO, verson 2020 cho thuốc kháng khuẩn thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; gắn mã, kiểm tra, đối chiếu mã ATC kết hợp liều DDD theo WHO. Từ tháng 8/2020 sẽ đề xuất ứng dụng hệ thống mã ATC kết hợp liều DDD theo WHO vào quản lý chi phí thuốc được quỹ BHYT chi trả và tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu; Tháng 9/2020 hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu…/.

Thủy Hà