Đề xuất tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam (Bài 03)

03/06/2020 07:19 AM


Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu theo Điều 169 của Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, kể từ năm 2021, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường được thực hiện theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035 (sau đây gọi tắt là quy định mới). Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định của pháp luật lao động về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu và quy định pháp luật khác có liên quan.

Nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo đúng quy định của pháp luật lao động là việc làm cần thiết (Ảnh minh họa)

 

Bài 03. Phân tích những bất cập về  mặt “định lượng” trong dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu

Phân tích thực chất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo

Để làm rõ hơn những bất cập trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tuổi nghỉ hưu đang được cơ quan chủ trì xin ý kiến, chúng tôi tiếp tục phân tích một cách cụ thể hơn về mặt “định lượng” của Dự thảo khi xác định tuổi và thời điểm nghỉ theo theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Luật.

Theo Dự thảo, trong điều kiện lao động bình thường, đến năm 2028, lao động nam sinh từ tháng Tư năm 1966 trở đi sẽ được nghỉ hưu ở tuổi đủ 62; đến năm 2035, lao động nữ sinh từ tháng Năm năm 1975 trở đi sẽ được nghỉ hưu ở tuổi đủ 60.

Sở dĩ có tình trạng tăng nhanh hơn thời điểm nghỉ hưu của người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mới là do cách thức xác định thời điểm nghỉ hưu của từng độ tuổi trong Dự thảo theo tháng dẫn đến thời gian tăng bình quân hằng năm đã tăng nhanh hơn thời gian tăng theo lộ trình quy định của Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Cụ thể khi phân tích định lượng về tăng tuổi bình quân hằng năm cho thấy:

Đối với lao động nam trong điều kiện lao động bình thường

- Năm 2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 3 tháng (tăng 3 tháng theo lộ trình). Trong năm 2021 chỉ có những người sinh từ tháng Một đến tháng Chín (9 tháng) năm 1961 là tăng 3 tháng, còn những người sinh từ tháng Mười đến tháng Mười Hai (3 tháng) năm 1961 nghỉ hưu vào năm 2022 lại được tăng là 6 tháng. Hay nói cách khác, năm 2021 chỉ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm người sinh từ tháng Một đến tháng Chín năm 1961 theo lộ trình quy định, còn những người sinh từ tháng Mười đến tháng Mười Hai năm 1961 sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu vào năm sau. Do đó những người sinh năm 1961 sẽ có thời gian tăng bình quân gia quyền là:

(9 x 3 + 3 x 6)/12 = 3,75 tháng (so với 3 tháng theo quy định mới).

Với cách xác định của Dự thảo thì vô hình chung tuổi nghỉ hưu của lao động nam sinh năm 1961, đến năm 2021 là đủ 60 tuổi sẽ được nghỉ hưu bình quân ở tuổi là 60 và 3,75 tháng chứ không phải là 60 tuổi 3 tháng theo quy định mới và đã tăng 0,75 tháng.

- Năm 2022, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 6 tháng (tăng 6 tháng theo lộ trình). Trong năm 2022 chỉ có những người sinh từ tháng Một đến tháng Sáu (6 tháng) năm 1962 là tăng 6 tháng, còn những người sinh từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai (6 tháng) năm 1962 nghỉ hưu vào năm 2023 lại được tăng là 9 tháng. Hay nói cách khác, năm 2022 chỉ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm người sinh từ tháng Một đến tháng Sáu năm 1962 theo lộ trình quy định, còn những người sinh từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai năm 1962 sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu vào năm sau. Do đó những người sinh năm 1962 sẽ có thời gian tăng bình quân gia quyền là:

(6x6+6x9)/12=7,5 tháng (so với 6 tháng theo quy định mới đã tăng thêm 1,5 tháng)…

Cách tính tương tự ta có:

 Bảng 1. So sánh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định và theo Dự thảo

đối với lao động nam

Năm đủ tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Năm sinh

(tính theo tháng và năm sinh có liên quan)

Năm sinh tương ứng đủ 60 tuổi so với năm bắt đầu  điều chỉnh

Thời gian tăng theo lộ trình quy định

 Thời gian tăng bình quân gia quyền theo Dự thảo

2020

60

Từ tháng  01 đến tháng 12/1960

1960

0 tháng

 

2021

60 tuổi 3 tháng

Từ tháng 01/1961 đến tháng 9/1961

1961

3 tháng

(9x3+3x6)/12 = 3,75 tháng

2022

60 tuổi 6 tháng

Từ tháng 10/1961 đến tháng 6/1962

1962

6 tháng

(6x6+6x9)/12 = 7,50 tháng

2023

60 tuổi 9 tháng

Từ tháng 7/1962    đến tháng 3/1963

1963

9 tháng

(3x9+9x12)/12 =11,25 tháng

2024

61 tuổi

Từ tháng 4/1963  đến tháng 12/1963

1964

12 tháng

(9x15+3x18)/12=15, 75 tháng

2025

61 tuổi 3 tháng

Từ tháng 01/1964  đến tháng 9/1964

1965

15 tháng

(6x18+6x21)/12 =19,50 tháng

2026

61 tuổi 6 tháng

Từ tháng 10/1964  đến tháng 6/1965

1966

18 tháng

(3x21+9x24)/12 =23,25 tháng

2027

61 tuổi 9 tháng

Từ tháng 7/1965  đến tháng 3/1966

1967

21 tháng

(12x24)/12 = 24 tháng

2028

62 tuổi

Từ tháng 4/1966

 trở đi

1968

24 tháng

(12x24)/12 =24 tháng

Theo Bảng 1 cho thấy, đến năm 2026 tuổi nghỉ hưu bình quân của lao động nam đã là đủ 60 tuổi và 23,25 tháng (so với lộ trình là 60 tuổi và 18 tháng – hay 61 tuổi 6 tháng, tăng nhanh hơn là 5,25 tháng) và từ năm 2027 tuổi nghỉ hưu bình quân của lao động nam đã đạt 60 tuổi và 24 tháng – 62 tuổi (so với lộ trình là 60 tuổi và 21 tháng hay 61 tuổi 9 tháng, tăng nhanh hơn 3 tháng). Và do đó, Dự thảo cho rằng những người sinh từ tháng Tư năm 1966 trở đi, vào năm 2028 đã nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 62.

Như vậy cách xác định theo Dự thảo vô tình đã làm tăng thêm tháng tuổi bình quân mỗi năm và thúc đẩy nhanh hơn “tiến độ” tăng tuổi nghỉ hưu so với quy định của Điều 169 Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Đối với lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường

Cũng với cách tính bình quân tháng theo từng tuổi có liên quan đến lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta có thể phân tích được như sau:

- Năm 2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 55 tuổi 4 tháng (tăng 4 tháng theo lộ trình). Trong năm 2021 chỉ có những người sinh từ tháng Một đến tháng Tám (8 tháng) năm 1966 là tăng 4 tháng, còn những người sinh từ tháng Chín đến tháng Mười Hai (4 tháng) năm 1966 nghỉ hưu vào năm 2022 lại được tăng là 8 tháng. Hay nói cách khác, năm 2021 chỉ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm người sinh từ tháng Một đến tháng Tám năm 1966 theo lộ trình quy định, còn những người sinh từ tháng Chín đến tháng Mười Hai năm 1963 sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu vào năm sau. Như vậy những người sinh năm 1966 sẽ có thời gian tăng bình quân gia quyền là:

(8x4+4x8)/12=5,33 tháng (so với 4 tháng theo quy định mới đã tăng thêm 1,33 tháng).

Với cách xác định của Dự thảo thì vô hình chung tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sinh năm 1966, đến năm 2021 là đủ 55 tuổi sẽ được nghỉ hưu bình quân ở tuổi là 55 tuổi và 5,33 tháng chứ không phải là 55 tuổi 4 tháng theo quy định và đã tăng nhanh hơn 1,33 tháng.

- Năm 2022, tuổi nghỉ hưu là đủ 55 tuổi 8 tháng (tăng 8 tháng theo lộ trình). Trong năm 2022 chỉ có những người sinh từ tháng Một đến tháng Tư (4 tháng) năm 1967 là tăng 8 tháng, còn những người sinh từ tháng Năm đến tháng Mười Hai (8 tháng) năm 1967 nghỉ hưu vào năm 2023 lại được tăng là 12 tháng. Hay nói cách khác, năm 2022 chỉ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm người sinh từ tháng Một đến tháng Tư năm 1967 theo lộ trình quy định, còn những người sinh từ tháng Năm đến tháng Mười Hai năm 1967 sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu vào năm sau. Như vậy những người sinh năm 1967 sẽ có thời gian tăng bình quân gia quyền là:

(4x8+8x12)/12=10,66 tháng (so với 8 tháng theo quy định mới đã tăng thêm 2,66 tháng).

Với cách tính toán tương tự trên, chúng ta có bảng sau:

Bảng 2. So sánh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định và theo Dự thảo

                                       đối với lao động nữ

Năm đủ tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu theo quy định

Năm sinh

Năm sinh tương ứng đủ 55 tuổi so với năm bắt đầu  điều chỉnh

Thời gian tăng theo lộ trình quy định

Thời gian tăng bình quân gia quyền theo dự thảo

2020

55

Từ tháng 01/1965

đến tháng 12/1965

1965

0

 

2021

55 tuổi 4 tháng

Từ tháng 01/1966 đến tháng 8/1966

1966

4 tháng

(8*4+4*8)/12= 5,33 tháng

2022

55 tuổi 8 tháng

Từ tháng 9/1966 đến tháng 4/1967

1967

8 tháng

(4*8+8*12)/12=10,66 tháng

2023

56 tuổi

Từ tháng 5/1967 đến tháng 12/1967

1968

12 tháng

(8*16+4*20)/12=17,33 tháng

2024

56 tuổi 4 tháng

Từ tháng 01/1968 đến tháng 8/1968

1969

16 tháng

(4*20+8*28)/12=25,33 tháng

2025

56 tuổi 8 tháng

Từ tháng 9/1968 đến tháng 5/1969

1970

20 tháng

(8*28+4*32)/12=29,33 tháng

2026

57 tuổi

Từ tháng 6/1969 đến tháng 12/1969

1971

24 tháng

(4*32+8*36)/12=34,66 tháng

2027

57 tuổi 4 tháng

Từ tháng 01/1970 đến tháng 8/1970

1972

28 tháng

(8*40+4*44)/12=41,33 tháng

2028

57 tuổi 8 tháng

Từ tháng 9/1970 đến tháng 4/1971

1973

32 tháng

(4*44+8*48)/12=46,66 tháng

2029

58 tuổi

Từ tháng 5/1971 đến tháng 12/1971

1974

36 tháng

(8*52+4*56)/12=53,33 tháng

2030

58 tuổi 4 tháng

Từ tháng 01/1972 đến tháng 8/1972

1975

40 tháng

(4*56+8*60)/12=58,66 tháng

2031

58 tuổi 8 tháng

Từ tháng 9/1972 đến tháng 4/1973

1976

44 tháng

(12*60)/12 = 60 tháng

2032

59 tuổi

Từ tháng 5/1973 đến tháng 12/1973

1977

48 tháng

(12*60)/12 = 60 tháng

2033

59 tuổi 4 tháng

Từ tháng 01/1974 đến tháng 8/1974

1978

52 tháng

(12*60)/12 = 60 tháng

2034

59 tuổi 8 tháng

Từ tháng 9/1974 đến tháng 4/1975

1979

56 tháng

(12*60)/12 = 60 tháng

2035

60 tuổi

Từ tháng 5/1975 trở đi

1980

60 tháng

(12*60)/12 = 60 tháng

Theo Bảng 2 cho thấy, đến năm 2030 tuổi nghỉ hưu bình quân của lao động nữ đã là 55 tuổi và 58,66 tháng (so với lộ trình là 58 tuổi 4 tháng hay 55 tuổi và 40 tháng là đã tăng nhanh hơn 18,66 tháng ) đối với lao động nữ sinh năm 1975 và từ năm 2031 tuổi nghỉ hưu bình quân của lao động nữ đã đạt đủ 55 tuổi và 60 tháng – 60 tuổi (so với lộ trình là 58 tuổi 8 tháng hay 55 tuổi và 44 tháng là đã tăng nhanh hơn 16 tháng) đối với lao động nữ sinh năm 1976. Và do đó, theo Dự thảo, lao động nữ sinh từ tháng Năm năm 1975 trở đi, vào năm 2035 đã được nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60./.

Bài 01: Đề xuất về tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra

Bài 02: Đề xuất về tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam - Một số đề xuất

TS.Phạm Đình Thành- Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH; Trương Mạnh Tú -Vụ Kiểm toán nội bộ (BHXH Việt Nam)