Cần tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động
03/10/2019 07:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ 2-4/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 15. Tại Phiên họp, Ủy ban sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); việc chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Trình bày các nội dung lớn về tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, đến thời điểm này, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã cơ bản thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, dự thảo Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn, điều kiện lao động phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền về an sinh xã hội đối với người không có quan hệ lao động...
Cũng theo ông Lợi, về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, mặc dù kết luận của Ủy ban TVQH tại Phiên họp thứ 36 và Phiên họp thứ 37 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, nhưng Chính phủ vẫn mong muốn phương án trình tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục được Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Ủy ban TVQH đã đề xuất 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Phương án 1- quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng, ghi rõ là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ như quy định trong dự thảo để NLĐ biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ.
Phương án 2- nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ; đồng thời Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của ĐBQH, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi, trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Về tuổi nghỉ hưu theo Điều 169, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình. Theo đó, đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ. Bởi, quy định này dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề” cũng như việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau.
Bên cạnh đó, qua quá trình lấy ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có 2 quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo luật như phương án Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.
Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với NLĐ cũng như thị trường lao động, Ủy ban TVQH sẽ trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Điều 169 để xem xét, cho ý kiến.
Cụ thể, theo phương án 1, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Còn theo phương án 2, giao Chính phủ quy định lộ trình và tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của NLĐ.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đồng tình với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Đồng thời chỉ rõ, đây là vấn đề phức tạp và ở các nước khi đặt ra vấn đề này cũng thường nhận được tranh luận, phản ứng của NLĐ. Do đó, cần làm tốt công tác truyền thông giúp NLĐ hiểu rõ về quyền và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động, để họ biết được bản thân mình, ngành mình sẽ nghỉ hưu như thế nào và kèm theo đó là những quyền lợi gì.
Theo Baohiemxahoi.gov.vn
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...